Từ cây làm hàng rào đến bonsai tiền triệu
Ngoài mua bán hoa lan kiểng,ếmtiềntriệunhờhôbiếncâyduốithàku11 Phạm Cương Quyết (28 tuổi), ngụ tại H.Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, còn kinh doanh bonsai duối với giá từ vài triệu đến hơn 10 triệu đồng/cây.
Quyết cho hay trước đây cây duối thường được mọi người trồng quanh nhà để làm hàng rào, tạo cảnh quan, ít ai quan tâm đến giá trị kinh tế.
"Tuy nhiên, vài năm nay, nhiều anh em trong nghề kiểng đã uốn nắn cây duối thành bonsai kiểu dáng đẹp rồi bán với giá tiền triệu. Thấy vậy, mình cũng bắt đầu mua phôi về làm thử và kinh doanh", Quyết kể.
Thời gian đầu Quyết gặp khó khăn vì chưa có kỹ thuật ươm nên làm phôi duối chết, dẫn đến lỗ vốn. "Mình phải lên mạng mày mò kiến thức rồi học theo những cách hướng dẫn nuôi và tạo dáng bonsai duối từ các video trên YouTube để có thêm kinh nghiệm…", Quyết bộc bạch.
Theo Quyết cây duối dễ uốn dáng, cắt tỉa, sinh trưởng tốt. "Để trồng bonsai duối thành công, trước tiên mình phải tìm được phôi chất lượng rồi mang về ươm bằng cách trùm túi ni lông giữ ẩm, sau vài tháng thì đem ra vô chậu với đất là xơ dừa, phân chuồng nằm tăng độ tơi xốp và dinh dưỡng, giúp cây phát triển tốt hơn. Mình dùng kẽm để định hình thân, cành, tạo dáng bonsai", Quyết cho hay.
Hiện tại, các nhóm, hội về bonsai duối trên Facebook lên đến hàng chục ngàn thành viên tham gia. Đây cũng là môi trường để Quyết giao lưu, học hỏi cũng như kinh doanh kiểng nói chung. "Mình hay đăng bài, chia sẻ hình ảnh bonsai duối lên mạng, từ đó nhiều người biết đến và hỏi mua. Trung bình mỗi tháng, mình kiếm được hơn 40 triệu đồng nhờ việc bán bonsai duối", Quyết nói.
Thu về gần 50 triệu đồng/tháng
Ngoài những dòng kiểng mai chiếu thủy, bồ đề, linh sam, Đào Tiến Anh (23 tuổi), ngụ tại xã Thiên Hương, H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng, còn sở hữu, kinh doanh hàng chục bonsai duối với nhiều dáng thế như: trực, bạt phong, thác đổ, có giá từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng/cây, tùy kích thước và độ tinh xảo của mỗi tác phẩm.
Tiến Anh biết đến cây duối trong lúc đi chơi ở rừng nguyên sinh Cát Bà (TP.Hải Phòng) và choáng ngợp với sức sống mãnh liệt của loài thực vật này dù chỉ sống trên vách đá cheo leo.
"Mình đã liên hệ với bà con địa phương để mua những phôi duối có kiểu dáng độc lạ được tạo tác bởi thiên nhiên để về nhà làm bonsai. So với những dòng kiểng khác, kỹ thuật trồng duối không đòi hỏi cao siêu, phức tạp, ngược lại rất dễ chăm sóc miễn duy trì tưới nước từ 3 đến 4 lần/tuần là cây phát triển khỏe mạnh", Tiến Anh nói.
Cũng theo Tiến Anh, sau khi mua phôi duối về người trồng tránh cắt rễ cọc, mà chỉ loại bỏ những nhánh cây không cần thiết.
"Sau khi ươm phôi duối được vài tháng mình sẽ đem trồng vào chậu rồi tiếp tục nuôi dưỡng. Để uốn cành, nên chọn thời điểm sau khi cây đã rụng hết lá. Trong quá trình trồng bonsai duối cần giữ gìn toàn bộ rễ, tránh làm hại cành và hãy đặt ở nơi có nhiều ánh sáng. Điều này sẽ giúp cây phát triển nhanh, tạo ra những tán lá rậm rạp, xanh mướt", Tiến Anh nói.
Theo Tiến Anh cây duối có sức sống mãnh liệt, dễ trồng và chăm sóc, tuy nhiên để bán được cho khách thì cần mất thời gian từ 1 – 2 năm.
"Dù là loại cây khỏe mạnh, nhưng thi thoảng vẫn bị sâu bệnh tấn công, ăn lá hoặc đục thân. Do đó, cần phải quan sát cẩn thận và theo dõi mỗi ngày. Sau khi cây duối ra dáng bonsai, người trồng sẽ đỡ cực nhọc hơn, thời điểm này chỉ cần chăm tưới nước, thi thoảng cắt tỉa lá để dinh dưỡng nuôi rễ và thân", Tiến Anh cho hay.
Hiện tại, ngoài số tiền lãi bán được từ các dòng kiểng khác, trung bình mỗi tháng Tiến Anh cho tiêu thụ từ 10 - 15 cây bonsai duối, thu về gần 50 triệu đồng.